Silica tinh thể: Những điều cơ bản về an toàn

Bụi chứa silica tinh thể có thể gây tác hại rất lớn đến sức khỏe.

Shape

Silica tinh thể là gì?

Silica tinh thể là khoáng chất tự nhiên. Chúng có trong các vật liệu tự nhiên và nhân tạo như đá nhân tạo, đá hoa cương (granite) và đá sa thạch (sandstone).

Silica tinh thể bao gồm các chất như thạch anh (quartz), cristobalite, tridymite hoặc tripoli. Nó cũng có trong các vật liệu xây dựng khác như bê tông, gạch, ngói và hồ.

Lượng silica tinh thể bao nhiêu là phụ thuộc vào loại vật liệu. Đá nhân tạo, còn gọi là đá tái tạo, đá phi tự nhiên hoặc đá chế tạo, có thể có hàm lượng silica tinh thể rất cao, thường lên đến 95%.

Các vật liệu phổ biến và hàm lượng silica tinh thể thông thường của chúng bao gồm:

  • đá sa thạch (sandstone), 70% đến 90%
  • đá hoa cương (granite), 25% đến 60%
  • gạch gốm, 5% đến 45%
  • bê tông khí chưng áp, 20% đến 40%
  • đá phiến (slate), 20% đến 40%
  • bê tông, ít hơn 30%
  • đồ sứ, 14% đến 18%
  • gạch, 5% đến 15%
  • đá cẩm thạch (marble), ít hơn 5%
  • đá nhân tạo, 1% silica tinh thể hoặc hơn, thường lên đến 95%, được xác định theo tỷ lệ hàm lượng/tổng trọng lượng

Lệnh cấm đá nhân tạo

Từ ngày 1 tháng 7 năm 2024, việc sản xuất, cung cấp, gia công hay lắp đặt mặt bàn bếp, tấm hoặc phiến đá nhân tạo đã bị cấm tại Victoria. Lệnh cấm đá nhân tạo áp dụng với mặt bàn bếp, tấm hoặc phiến đá nhân tạo. Các sản phẩm đá nhân tạo không ở các dạng này thì không bị cấm. Có một số ít trường hợp ngoại lệ cho phép các công việc được thực hiện với mặt bàn bếp, tấm hoặc phiến đá nhân tạo. Những trường hợp này bao gồm:

  • tháo dỡ, sửa chữa và cải tạo mặt bàn bếp và tấm đá nhân tạo lắp đặt từ trước
  • thải bỏ mặt bàn bếp, tấm hoặc phiến đá nhân tạo đã lắp đặt hoặc chưa lắp đặt
  • nghiên cứu và phân tích, và
  • để lấy mẫu và xác định đá nhân tạo

Các biện pháp kiểm soát cụ thể là bắt buộc khi công việc được cho phép với đá nhân tạo có liên quan đến gia công đá nhân tạo. Gia công đá nhân tạo cũng được coi là công việc nguy cơ cao liên quan đến silica tinh thể và bạn phải tuân thủ các nghĩa vụ về công việc nguy cơ cao liên quan đến silica tinh thể.

Để biết thêm thông tin, vui lòng xem hướng dẫn, Làm việc với đá nhân tạo và Câu hỏi thường gặp – Lệnh cấm đá nhân tạo.

Câu hỏi thường gặp - Lệnh cấm đá nhân tạo

Làm việc với đá nhân tạo

Tiếp xúc với bụi silica tinh thể

Khi bạn thực hiện các công việc như cắt, mài, khoan hoặc đánh bóng các sản phẩm chứa silica tinh thể, bụi rất mịn sẽ thải ra. Một số bụi nhỏ đến mức bạn có thể không thể nhìn thấy được.

Người lao động trong các ngành như ngành đá, xây dựng, sản xuất và khai thác có thể tiếp xúc với bụi silica tinh thể.

Tổ chức Bệnh phổi tại Úc (Lung Foundation Australia) có thông tin thêm về tiếp xúc với bụi silica tinh thể. Tổ chức Bệnh phổi tại Úc (Lung Foundation Australia) là cơ quan đầu não tài trợ cho những nghiên cứu làm thay đổi cuộc đời và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho những người sống chung với bệnh phổi hoặc ung thư phổi.

Tổ chức Bệnh phổi tại Úc (Lung Foundation Australia) (Trang mạng bằng tiếng Anh)

Kiểm soát việc tiếp xúc

Nguy cơ về sức khỏe

Bụi silica có thể gây hại khi hít vào phổi của bạn.

Tiếp xúc với bụi này có thể dẫn đến các bệnh gây tử vong, bao gồm:

  • bệnh bụi phổi silic (silicosis)
  • ung thư phổi
  • bệnh thận
  • bệnh tự miễn như bệnh xơ cứng bì
  • bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Bụi phổi silic (silicosis) xảy ra khi bụi silica tinh thể gây sẹo cho phổi. Đây là căn bệnh nghiêm trọng và không thể chữa được, với các triệu chứng bao gồm khó thở, ho, mệt mỏi và giảm cân. Trong những trường hợp nặng, bệnh bụi phổi silic (silicosis) có thể khiến phải thay phổi hoặc dẫn đến tử vong.

Tiêu chuẩn tiếp xúc tại nơi làm việc

Theo Quy định về Sức khỏe và An toàn Lao động 2017 (Occupational Health and Safety Regulations 2017), chủ lao động phải đảm bảo người lao động không tiếp xúc với bụi silica tinh thể có thể hít phải ở nơi làm việc ở mức cao hơn tiêu chuẩn tiếp xúc. Safe Work Australia công bố các tiêu chuẩn tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm trong không khí tại nơi làm việc. Các tiêu chuẩn tiếp xúc được quy định trong hướng dẫn An toàn Lao động, Tiêu chuẩn tiếp xúc tại nơi làm việc cho các chất gây ô nhiễm trong không khí.

Hướng dẫn về việc diễn giải Tiêu chuẩn tiếp xúc tại nơi làm việc cho các chất gây ô nhiễm trong không khí (Trang mạng bằng tiếng Anh)

Tiêu chuẩn tiếp xúc với bụi silica kết tinh có thể hít phải là 0,05 mg/m3, là nồng độ trung bình gia trọng theo thời gian (TWA) trong không khí trong 8 tiếng.

Tiêu chuẩn tiếp xúc TWA trong 8 tiếng là nồng độ trung bình trong không khí của một chất cụ thể, được phép trong suốt 8 tiếng làm việc mỗi ngày và 5 ngày làm việc mỗi tuần.

WorkSafe Victoria khuyên chủ lao động áp dụng biện pháp phòng ngừa và giảm mức TWA trong 8 tiếng về tiếp xúc của người lao động xuống dưới 0,02 mg/m3 để ngăn ngừa bệnh bụi phổi silic (silicosis) và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.

Theo dõi không khí và sức khỏe

Đánh giá sức khỏe liên quan đến silica tinh thể

Thông tin liên quan

Để dùng dịch vụ thông dịch bằng ngôn ngữ ưa thích của bạn, hãy liên hệ với Dịch vụ Phiên dịch và Thông dịch trên toàn quốc (TIS) theo số 131 450.

Silica tinh thể