Đánh giá sức khỏe liên quan đến silica tinh thể

Quan trọng là những người làm việc với silica tinh thể phải được đánh giá sức khỏe đường hô hấp nếu xác định việc này có khả năng gây hại đến sức khỏe của họ.

Shape

Lệnh cấm đá nhân tạo

Từ ngày 1 tháng 7 năm 2024, việc sản xuất, cung cấp, gia công hay lắp đặt mặt bàn bếp, tấm hoặc phiến đá nhân tạo đã bị cấm tại Victoria. Lệnh cấm đá nhân tạo áp dụng với mặt bàn bếp, tấm hoặc phiến đá nhân tạo. Các sản phẩm đá nhân tạo không ở các dạng này thì không bị cấm. Có một số ít trường hợp ngoại lệ cho phép các công việc được thực hiện với mặt bàn bếp, tấm hoặc phiến đá nhân tạo. Những trường hợp này bao gồm:

  • tháo dỡ, sửa chữa và cải tạo mặt bàn bếp và tấm đá nhân tạo lắp đặt từ trước
  • thải bỏ mặt bàn bếp, tấm hoặc phiến đá nhân tạo đã lắp đặt hoặc chưa lắp đặt
  • nghiên cứu và phân tích, và
  • để lấy mẫu và xác định đá nhân tạo

Các biện pháp kiểm soát cụ thể là bắt buộc khi công việc được cho phép với đá nhân tạo có liên quan đến gia công đá nhân tạo. Gia công đá nhân tạo cũng được coi là công việc nguy cơ cao liên quan đến silica tinh thể và bạn phải tuân thủ các nghĩa vụ về công việc nguy cơ cao liên quan đến silica tinh thể.

Để biết thêm thông tin

Làm việc với đá nhân tạo

Các câu hỏi thường gặp - Lệnh cấm đá nhân tạo từ ngày 1 tháng bảy năm 2024

https://www.worksafe.vic.gov.au/crystalline-silica (trang mạng bằng tiếng Anh. Có sẵn bản dịch của các trang chọn lọc.)

Lý do cần có đánh giá

Quy định về Sức khỏe và An toàn Lao động 2017 (Occupational Health and Safety Regulations 2017) (Vic) đòi hỏi chủ lao động phải cung cấp việc theo dõi sức khỏe cho người lao động khi:

  • người lao động tiếp xúc với chất nguy hiểm 'được liệt kê', bao gồm silica tinh thể, và
  • việc tiếp xúc này có thể gây tác động xấu đến sức khỏe của người lao động trong các điều kiện làm việc cụ thể tại nơi làm việc

Điều này có thể xảy ra khi làm việc với các vật liệu như bê tông, gạch, ngói, hồ và đá nhân tạo.

Việc theo dõi sức khỏe phải do chủ lao động trả chi phí và được thực hiện thường xuyên.

Theo dõi sức khỏe là giám sát sức khỏe của người lao động để xác định những thay đổi trong tình trạng sức khỏe của họ do tiếp xúc với chất nguy hiểm như silica tinh thể trong công việc. Việc xác định sớm và chính xác các bệnh về hô hấp, bao gồm bệnh bụi phổi silic (silicosis), giúp can thiệp sớm để cải thiện kết quả cho sức khỏe người lao động.

Khi một nhiệm vụ hoặc công việc được xác định là cần theo dõi sức khỏe, việc theo dõi sức khỏe cần được cung cấp trước khi người lao động bắt đầu làm việc để xác định tình trạng ban đầu làm cơ sở, để từ đó có thể xác định sự thay đổi trong tình trạng sức khỏe của họ.

Nội dung đánh giá sức khỏe

Theo dõi sức khỏe liên quan đến tiếp xúc với silica tinh thể có thể bao gồm:

  • theo dõi sinh học
  • thu thập dữ liệu nhân khẩu học (ví dụ: tuổi, giới tính)
  • xem xét lịch sử việc làm và tiền sử bệnh
  • đánh giá về việc tiếp xúc tại nơi làm việc, bao gồm dữ liệu theo dõi không khí (nếu có)
  • khám thể chất, tập trung vào hệ hô hấp
  • xét nghiệm máu
  • xét nghiệm chức năng phổi (đo hô hấp ký (spirometry test) và xét nghiệm truyền khí (gas transfer test))
  • chụp X-quang phổi và/hoặc chụp cắt lớp (CT)

Những người có thể thực hiện việc đánh giá sức khỏe

Đánh giá sức khỏe nên được thực hiện thường xuyên, và dưới sự giám sát của một bác sĩ có đăng ký, có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ y tế nghề nghiệp.

Những người trước đây có giấy phép về đá nhân tạo mà có người lao động theo dạng:

  • bắt buộc phải được theo dõi sức khỏe theo quy định 169, và
  • đã được họ thuê ngay trước ngày 1 tháng 7 năm 2024, và
  • trước đây bắt buộc phải có theo dõi sức khỏe dưới sự giám sát của một bác sĩ chuyên khoa nghề nghiệp và môi trường, hoặc bác sĩ chuyên khoa hô hấp và giấc ngủ

phải tiếp tục đảm bảo việc theo dõi sức khỏe được tiến hành dưới sự giám sát của một trong những bác sĩ chuyên khoa này.

Các xét nghiệm

Theo Học viện Y khoa Hoàng gia Úc (Royal Australian College of Physicians - RACP ), việc đánh giá sức khỏe nên bao gồm:

  • hô hấp ký (spirometry)
  • khả năng truyền khí, còn gọi là khả năng khuếch tán carbon monoxide của phổi (DLCO)
  • Chụp X-quang phổi theo ILO

Hô hấp ký và DLCO là các xét nghiệm chức năng phổi.

Trong một số trường hợp khác, có thể cần thêm các xét nghiệm khác.

DLCO

Những xét nghiệm này nên được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Đo hô hấp ký ở ngoài phòng thí nghiệm có thể cho kết quả âm tính giả, và có thể khiến bác sĩ và bệnh nhân cảm thấy an tâm vì nhầm tưởng đó là kết quả đúng. Học viện RACP coi DLCO là cách nhạy hơn để phát hiện bệnh sớm.

Để xem danh sách các phòng xét nghiệm về hô hấp được công nhận tại Úc, hãy truy cập trang mạng của Hiêp hội Lồng ngực (Thoracic Society) thoracic.org.au (trang mạng bằng tiếng Anh).

https://thoracic.org.au/

Chụp X-quang phổi theo ILO

Chụp X-quang phổi theo ILO sử dụng hệ thống phân loại tiêu chuẩn để xác định bệnh bụi phổi (pneumoconiosis) (bệnh phổi do nghề nghiệp – bệnh bụi phổi silic (silicosis) là một loại của bệnh này).

Điều quan trọng là một bác sĩ chuyên khoa chiếu chụp có chuyên môn đặc biệt phải xem xét hình chụp X-quang phổi theo ILO. Để có đủ chuyên môn, bác sĩ chuyên khoa chiếu chụp phải đỗ kỳ thi đọc kết quả phim chụp B do Học viện Quốc gia về An toàn và Sức khỏe Lao động (NIOSH) tổ chức. Học viện này chứng nhận họ có thể phân loại hình chụp X quang phổi bằng hệ thống ILO.

Việc sử dụng bác sĩ đọc được phim chụp B đã trở thành thông lệ lâu nay để phát hiện sớm các thay đổi trong hình chụp X-quang. Để xem danh sách bác sĩ đủ chuyên môn đọc được phim chụp B của Úc, hãy truy cập trang mạng của NIOSH tại cdc.gov/niosh (trang mạng bằng tiếng Anh). Vào thời điểm trang mạng này được cập nhật lần sau cùng, trang mạng của NIOSH cho thấy một bác sĩ đọc được phim chụp B tại Victoria, tại MIA Radiology. Có thể có các bác sĩ khác đọc được phim chụp B có thể thực hiện các xét nghiệm mà WorkSafe không biết, hoặc họ có thể hoạt động ngoài lãnh thổ Victoria.

Chẩn đoán và điều trị bệnh đường hô hấp

Các trường hợp nghi vấn nên được giới thiệu đến các bác sĩ chuyên khoa hô hấp có chuyên môn về đánh giá và điều trị các bệnh phổi phức tạp liên quan đến nghề nghiệp, bao gồm bệnh bụi phổi silic (silicosis) hoặc bệnh phổi kẽ (interstitial lung disease). Một bác sĩ chuyên khoa hô hấp nên phối hợp việc điều trị và theo dõi sức khỏe liên tục.

Thông tin Thêm

Để biết thêm thông tin về yêu cầu theo dõi sức khỏe, hãy tham khảo worksafe.vic.gov.au/ crystalline-silica (trang mạng bằng tiếng Anh). Có sẵn bản dịch của các trang chọn lọc).

https://www.worksafe.vic.gov.au/crystalline-silica

Lưu ý: Tài liệu hướng dẫn này được chuẩn bị bằng việc sử dụng thông tin tốt nhất mà WorkSafe có, và chỉ nên được dùng cho mục đích chung. Mọi thông tin về nghĩa vụ hoặc trách nhiệm pháp lý đề cập trong tài liệu này chỉ áp dụng cho các hoàn cảnh mô tả trong tài liệu. Bạn nên luôn kiểm tra luật lệ đề cập trong tài liệu này và tự đưa ra quyết định về hành động cụ thể cần thực hiện để đảm bảo bạn đã tuân thủ pháp luật. Theo đó, WorkSafe không chịu trách nhiệm và không đưa ra bất kỳ đảm bảo nào về sự phù hợp của những thông tin này với trường hợp cụ thể của bạn; hoặc hành động của bên thứ ba do tham khảo thông tin trong tài liệu hướng dẫn này.