Làm việc với đá nhân tạo
Hướng dẫn về làm việc với đá nhân tạo kể từ khi có lệnh cấm từ ngày 1 tháng 7 năm 2024. Hướng dẫn này là dành cho chủ lao động, người lao động, người tự làm chủ và người giữ vai trò quản lý hoặc kiểm soát nơi làm việc. Hướng dẫn này giải thích các trường hợp ngoại lệ của lệnh cấm và làm thế nào để các công việc với đá nhân tạo có thể được thực hiện một cách an toàn.
Lệnh cấm đá nhân tạo
Từ ngày 1 tháng 7 năm 2024, việc sản xuất, cung cấp, gia công hay lắp đặt mặt bàn bếp, tấm hoặc phiến đá nhân tạo đã bị cấm ở Victoria. Lệnh cấm đá nhân tạo áp dụng với mặt bàn bếp, tấm hoặc phiến đá nhân tạo. Các sản phẩm đá nhân tạo không ở các dạng này thì không bị cấm. Có một số ít trường hợp ngoại lệ cho phép các công việc được thực hiện với mặt bàn bếp, tấm hoặc phiến đá nhân tạo. Những trường hợp này bao gồm:
- tháo dỡ, sửa chữa hoặc cải tạo mặt bàn bếp và tấm đá nhân tạo đã lắp đặt từ trước
- thải bỏ mặt bàn bếp, tấm hoặc phiến đá nhân tạo đã lắp đặt hoặc chưa lắp đặt
- nghiên cứu và phân tích, và
- để lấy mẫu và xác định đá nhân tạo
Các biện pháp kiểm soát cụ thể là bắt buộc khi công việc được cho phép với đá nhân tạo có liên quan đến gia công đá nhân tạo. Gia công đá nhân tạo cũng được coi là công việc nguy cơ cao liên quan đến silica tinh thể và bạn phải tuân thủ các nghĩa vụ về công việc nguy cơ cao liên quan đến silica tinh thể.
Lệnh cấm được ban hành vì tỷ lệ người lao động mắc bệnh bụi phổi silic (silicosis) và các bệnh liên quan đến silica ở Úc gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Nhiều trong số những chẩn đoán này là ở người lao động làm việc với đá nhân tạo vì họ tiếp xúc với bụi silica tinh thể trong quá trình gia công các sản phẩm như mặt bàn bếp, tấm hoặc phiến đá.
Thông tin thêm liên quan đến những nguy cơ về sức khỏe do tiếp xúc với bụi silica tinh thể:
Định nghĩa đá nhân tạo
Từ ngày 1 tháng 7 năm 2024, đá nhân tạo được định nghĩa là sản phẩm nhân tạo:
- chứa từ 1 phần trăm silica tinh thể trở lên, được xác định theo tỷ lệ hàm lượng/tổng trọng lượng (w/w), và
- được tạo ra bằng cách kết hợp vật liệu đá tự nhiên và các thành phần hóa học khác như nước, nhựa kết dính resin hoặc chất tạo màu, và
- trở nên cứng lại
Các sản phẩm nhân tạo sau đây không được coi là đá nhân tạo:
- các sản phẩm bê tông và xi măng
- gạch, gạch/đá lát đường và các sản phẩm tương tự khác
- sứ không chứa nhựa kết dính resin
- đá nung không chứa nhựa kết dính resin
- gạch gốm ốp tường và lát sàn
- ngói lợp mái
- vữa trát kẽ, hồ và vữa trát tường
- tấm thạch cao
Lệnh cấm đá nhân tạo và các trường hợp loại trừ
Lệnh cấm áp dụng với đá nhân tạo dưới dạng:
- mặt bàn bếp, như những mặt bàn được lắp đặt trong nhà bếp và phòng tắm và các bề mặt ngoài trời
- tấm, như tấm chống thấm ốp nhà bếp hoặc gạch lát sàn hay ốp tường
- phiến, có thể phải cắt cho khớp với việc lắp đặt ở nhiều nơi khác nhau
Lệnh cấm không áp dụng với các sản phẩm đá nhân tạo không phải là mặt bàn bếp, tấm hoặc phiến đá. Những sản phẩm này bao gồm, ví dụ như đồ trang sức, đồ trang trí sân vườn, tác phẩm điêu khắc và bồn rửa nhà bếp.
Lệnh cấm không áp dụng với đá tự nhiên. Ví dụ, mặt bàn bếp bằng đá hoa cương (granite) không bị cấm.
Nếu làm việc với các sản phẩm chứa silica, bạn có thể tham gia vào các quy trình có tiếp xúc với silica tinh thể. Khi làm việc với sản phẩm chứa silica, bạn có thể thực hiện việc gia công silica tinh thể hay gia công silica tinh thể nguy cơ cao. Điều này nghĩa là bạn phải tuân theo các quy định cụ thể và các quy trình an toàn.
Thông tin thêm về công việc nguy cơ cao liên quan đến silica tinh thể:
Sửa chữa, tháo dỡ, cải tạo và thải bỏ đá nhân tạo cũ
Hiện nay, mặt bàn bếp, tấm hoặc phiến đá nhân tạo đã được lắp đặt trong nhiều ngôi nhà và các không gian khác trên khắp nước Úc. Có thể còn tồn kho đá nhân tạo chưa lắp đặt, được các doanh nghiệp như nhà cung cấp và nhà phân phối lưu giữ, sau khi lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực. Những sản phẩm đã lắp đặt và hàng tồn kho chưa lắp đặt đôi khi được gọi là đá nhân tạo cũ.
Việc gia công mặt bàn bếp, tấm hoặc phiến đá nhân tạo cũ là được phép cho một số ít các mục đích như:
- tháo dỡ, sửa chữa và cải tạo đá nhân tạo lắp đặt từ trước
- thải bỏ đá nhân tạo, cho dù đã lắp đặt hay chưa
Điều này có nghĩa là chủ lao động và người tự làm chủ được phép thực hiện, hoặc chỉ thị chủ lao động thực hiện, việc sửa chữa, tháo dỡ, cải tạo và thải bỏ đá nhân tạo cũ.
Nếu bạn đang gia công đá nhân tạo, các quy định về Sức khỏe và An toàn Lao động (OHS) đòi hỏi bạn phải sử dụng các biện pháp cụ thể để kiểm soát các nguy cơ liên quan đến đá nhân tạo. Công việc này cũng phải được coi là công việc nguy cơ cao liên quan đến silica tinh thể.
- Sửa chữa
Việc sửa chữa có thể bao gồm việc sửa một vết nứt hoặc sứt mẻ trên mặt bàn bếp, tấm hoặc phiến đá nhân tạo cũ. Việc này cũng có thể là làm lại bề mặt hoặc đánh bóng để loại bỏ vết trầy xước, vết cắt, dấu vết hoặc vết bẩn trên mặt bàn bếp hay tấm đá.
- Cải tạo
Việc cải tạo mặt bàn bếp, tấm hoặc phiến đá nhân tạo cũ có thể bao gồm việc thay đổi hình dạng ban đầu. Các ví dụ có thể bao gồm:
- cắt mặt bàn bếp hoặc tấm đá nhân tạo đã lắp đặt nhằm tạo một khoang để đặt vòi nước, bếp hoặc ổ điện lớn hơn
- cắt mặt bàn bếp hoặc tấm đá nhân tạo đã lắp đặt nhằm thay đổi hình dạng, ví dụ, từ bàn hình chữ L thành bàn đứng riêng (island bench)
- Tháo dỡ
Việc tháo dỡ có thể bao gồm tháo rời hoặc phá vỡ mặt bàn bếp, tấm hoặc phiến đá nhân tạo cũ với ý định vứt bỏ nó. Ví dụ, một công nhân sử dụng công cụ điện để tháo dỡ mặt bàn và tấm chống thấm bằng đá nhân tạo như một phần trong việc tân trang nhà bếp.
Đá nhân tạo đã tháo dỡ không thể được cung cấp, gia công hay lắp đặt.
- Thải bỏ
Mặt bàn bếp, tấm hoặc phiến đá nhân tạo cũ có thể được thải bỏ cho dù đã lắp đặt hay chưa. Ví dụ, một công nhân tháo dỡ mặt bàn bồn rửa bằng đá nhân tạo trong phòng tắm và đưa đến bãi rác.
Công việc được phép cho nghiên cứu và phân tích cũng như lấy mẫu và xác định
Việc lắp đặt, cung cấp và gia công mặt bàn bếp, tấm hoặc phiến đá nhân tạo là được phép cho các mục đích:
- nghiên cứu và phân tích thực sự, và
- để lấy mẫu và xác định đá nhân tạo
Ví dụ, một nhà nghiên cứu của trường đại học đang nghiên cứu về mức độ chống cháy của các vật liệu khác nhau. Doanh nghiệp được phép cung cấp mặt bàn bếp bằng đá nhân tạo để nhà nghiên cứu thực hiện việc nghiên cứu. Nhà nghiên cứu có thể gia công đá nhân tạo cho phù hợp với nhu cầu nghiên cứu của họ. Nhà nghiên cứu phải sử dụng các biện pháp kiểm soát cụ thể nếu làm việc gia công đá nhân tạo theo yêu cầu của nghiên cứu.
Thực hiện công việc được phép với đá nhân tạo một cách an toàn
Gia công đá nhân tạo là quy trình liên quan đến đá nhân tạo tại nơi làm việc tạo ra bụi silica tinh thể. Việc này bao gồm cắt, mài hoặc đánh bóng đá nhân tạo.
Nếu đang gia công đá nhân tạo cho công việc với đá nhân tạo được phép thì bạn phải:
- coi việc này là công việc nguy cơ cao liên quan đến silica tinh thể (HRCSW) và:
- soạn một tuyên bố về kiểm soát mối nguy hiểm cho HRCSW
- đảm bảo công việc được thực hiện theo đúng tuyên bố về kiểm soát mối nguy hiểm cho HRCSW
- cung cấp thông tin cho người xin việc
- cung cấp cho người lao động thông tin, hướng dẫn và đào tạo cụ thể
- sử dụng các biện pháp kiểm soát cụ thể:
- các biện pháp kiểm soát cụ thể được giải thích trong phần Kiểm soát bắt buộc khi gia công đá nhân tạo
Bạn cũng có thể phải thực hiện việc theo dõi không khí và theo dõi sức khỏe do tiếp xúc với bụi silica tinh thể.
Tham vấn
Khi làm việc với đá nhân tạo cũ, chủ lao động phải tham vấn, trong mức độ hợp lý có thể, với người lao động của mình (và các nhà thầu độc lập) về những vấn đề nhất định liên quan đến sức khỏe và an toàn mà ảnh hưởng trực tiếp hoặc có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Ví dụ, khi họ đang xác định hoặc đánh giá các mối nguy hiểm hay đưa ra quyết định về các biện pháp để kiểm soát các nguy cơ liên quan đến việc tiếp xúc với silica tinh thể.
Nếu người lao động có người đại diện về sức khỏe và an toàn (HSR), việc tham vấn phải có HSR tham gia, có hoặc không có sự tham gia trực tiếp của người lao động.
Công việc nguy cơ cao liên quan đến silica tinh thể
Tất cả các quy trình đá nhân tạo được coi là công việc nguy cơ cao liên quan đến silica tinh thể và đòi hỏi phải có tuyên bố về kiểm soát mối nguy hiểm từ silica tinh thể (tuyên bố kiểm soát mối nguy hiểm).
Tuyên bố về kiểm soát mối nguy hiểm từ silica tinh thể là một văn bản. Tuyên bố này được soạn cho tất cả các công việc nguy cơ cao liên quan đến silica tinh thể (HRCSW) tại nơi làm việc.
Tuyên bố kiểm soát mối nguy hiểm nêu rõ:
- những mối nguy hiểm và nguy cơ từ công việc
- các biện pháp để kiểm soát những nguy cơ đó
- cách thức triển khai các biện pháp kiểm soát đó
Tuyên bố kiểm soát mối nguy hiểm phải được trình bày và diễn đạt một cách dễ đọc và dễ hiểu đối với người sử dụng.
Chủ lao động hoặc người tự làm chủ không được thực hiện HRCSW trừ khi:
- tuyên bố về kiểm soát mối nguy hiểm từ silica tinh thể được soạn trước khi công việc bắt đầu, và
- công việc được thực hiện theo đúng tuyên bố kiểm soát mối nguy hiểm đó
Nếu công việc không được thực hiện theo đúng tuyên bố kiểm soát mối nguy hiểm, chủ lao động hoặc người tự làm chủ phải dừng công việc ngay lập tức hoặc dừng lại ngay khi thấy an toàn. Công việc không thể tiếp tục cho đến khi tuyên bố kiểm soát mối nguy hiểm được tuân thủ hoặc đánh giá lại và, nếu cần thiết, sửa đổi theo quy định OHS.
Chủ lao động phải đánh giá lại và sửa đổi tuyên bố kiểm soát mới nguy hiểm:
- bất cứ khi nào HRCSW thay đổi
- bất cứ khi nào có dấu hiệu cho thấy các biện pháp kiểm soát nguy cơ không đủ để kiểm soát các nguy cơ
- sau khi có sự cố xảy ra trong HRCSW
Xem thông tin sau về các nghĩa vụ liên quan đến việc soạn tuyên bố kiểm soát mối nguy hiểm và đưa vào áp dụng.
Các biện pháp kiểm soát bắt buộc khi gia công đá nhân tạo
Chủ lao động hoặc người tự làm chủ không được thực hiện, chỉ thị hoặc cho phép người lao động thực hiện việc gia công đá nhân tạo trừ khi có sử dụng các biện pháp cụ thể để kiểm soát các nguy cơ liên quan đến đá nhân tạo. Những biện pháp cụ thể này được trình bày trong những phần sau đây.
- Khi dụng cụ điện được sử dụng
Việc cắt khô đá nhân tạo cũ không dùng biện pháp kiểm soát là không được phép tại Victoria.
Nếu dụng cụ điện hoặc một loại máy cơ khí khác được sử dụng để gia công đá nhân tạo, chủ lao động hoặc người tự làm chủ phải đảm bảo rằng dụng cụ điện hoặc máy cơ khí đó được sử dụng với:
- hệ thống cấp nước tích hợp đáp ứng các yêu cầu trong hướng dẫn này, hoặc
- hệ thống hút bụi tích hợp trên dụng cụ đáp ứng các yêu cầu trong hướng dẫn này, hoặc
- nếu những biện pháp kiểm soát này khó có thể thực hiện được trong thực tế, thì phải có một dạng thông gió thoát khí cục bộ khác (LEV)
- Hệ thống cấp nước tích hợp
Hệ thống cấp nước tích hợp, còn được gọi là hệ thống khử bụi bằng nước tích hợp trên dụng cụ là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm tiếp xúc với bụi silica tinh thể.
Hệ thống này hoạt động bằng cách dùng nước tại điểm tạo ra bụi để làm ẩm bụi hoặc khử bụi trước khi nó được thải ra không khí.
Hệ thống cấp nước tích hợp phải:
- cấp nước liên tục cho điểm tiếp xúc với đá trong khi dụng cụ điện hoặc máy cơ khí đang được sử dụng, và
- nếu hệ thống dùng nước tái chế hoặc nước tuần hoàn, hãy xử lý nước đó một cách phù hợp
Khử bụi bằng nước phù hợp: máy mài được dùng để cắt tấm đá. Hút bụi tích hợp trên dụng cụ.
Khử bụi bằng nước phù hợp: máy đánh bóng được dùng để hoàn thiện mặt bàn bếp
Khử bụi bằng nước không phù hợp: ống nước riêng được chĩa vào chỗ cắt
Khử bụi bằng nước không phù hợp: dùng bình phun nước
- Hút bụi tích hợp trên dụng cụ
Hệ thống hút bụi tích hợp trên dụng cụ loại bỏ bụi tại nguồn ngay khi nó được tạo ra. Hệ thống này được lắp trực tiếp trên dụng cụ, với bộ phận hút chân không dành cho Bụi Hạng H có bộ lọc không khí hiệu suất cao (HEPA).
Hệ thống hút bụi tích hợp trên dụng cụ phải:
- có sẵn trên thị trường, và
- kết nối với bộ phận hút chân không dành cho Bụi Hạng H hoặc một hệ thống khác mà có thể hút hết được bụi do dụng cụ điện tạo ra
Bộ phận hút chân không dành cho Bụi Hạng H có nghĩa là một máy hút bụi tuân thủ các yêu cầu của Hạng H trong tiêu chuẩn AZ/NZS 60335.2.69:2017 Thiết bị điện gia dụng và tương tự — An toàn — Phần 2.69: Yêu cầu cụ thể cho máy hút bụi ướt và khô, bao gồm cả bàn chải điện, dành cho sử dụng thương mại hoặc tương đương.
Hình: Máy mài có hệ thống hút bụi tích hợp trên dụng cụ
- Hệ thống thông gió thoát khí cục bộ
Hệ thống thông gió thoát khí cục bộ (LEV) là một biện pháp kiểm soát kỹ thuật nhằm hút chất gây ô nhiễm không khí được thải ra tại nguồn của nó và đưa đến một điểm xả an toàn, bộ lọc hoặc bộ xử lý. Hệ thống hút bụi tích hợp trên dụng cụ là một dạng của LEV.
Mặc dù biện pháp kiểm soát này có thể giảm mức bụi silica trong không khí, nhưng nó không hiệu quả bằng việc dùng nước khử bụi hoặc hệ thống hút bụi tích hợp trên dụng cụ trong việc giảm tiếp xúc với bụi cho người lao động và thường không được khuyên dùng.
Khi gia công đá nhân tạo cũ, một loại LEV khác như hệ thống LEV di động, nên được sử dụng nếu trên thực tế khó có thể dùng hệ thống cấp nước tích hợp hoặc hệ thống hút bụi tích hợp trên dụng cụ có sẵn trên thị trường.
LEV không gắn trên dụng cụ phải được thiết kế, lắp đặt, sử dụng và bảo dưỡng đúng cách để đảm bảo việc hút bụi hiệu quả càng gần nguồn bụi càng tốt, trong phạm vi có thể thực hiện được, nhằm loại bỏ hoặc giảm bớt nguy cơ tiếp xúc với bụi silica tinh thể.
- Thông tin, hướng dẫn, đào tạo và giám sát
Chủ lao động phải cung cấp cho người lao động mọi thông tin, hướng dẫn, đào tạo, hoặc giám sát cần thiết để họ có thể thực hiện công việc một cách an toàn và không gây nguy cơ cho sức khỏe. Nghĩa vụ này cũng áp dụng với các nhà thầu độc lập (bao gồm tất cả những người lao động của nhà thầu độc lập) mà chủ lao động thuê liên quan đến các vấn đề mà chủ lao động kiểm soát.
Chủ lao động phải đảm bảo những người lao động có thể bị nguy cơ từ công việc nguy cơ cao liên quan đến silica tinh thể được cung cấp thông tin, hướng dẫn và đào tạo về:
- những nguy cơ về sức khỏe do tiếp xúc với bụi silica tinh thể
- nhu cầu và việc đề xuất sử dụng các biện pháp kiểm soát nguy cơ
- cách thức triển khai các biện pháp kiểm soát nguy cơ
Chủ lao động phải đảm bảo người lao động dùng dụng cụ điện hoặc loại máy cơ khí khác để thực hiện việc gia công đá nhân tạo được phép, được cung cấp thông tin, hướng dẫn và đào tạo về:
- việc dùng dụng cụ điện hoặc loại máy cơ khí có hệ thống cấp nước tích hợp hoặc hệ thống hút bụi tích hợp trên dụng cụ hay hệ thống thông gió thoát khí cục bộ
- việc sử dụng, độ kín khít, bảo dưỡng và lưu trữ thiết bị bảo vệ đường hô hấp
Chủ lao động phải đảm bảo rằng ứng viên nộp đơn xin làm công việc nguy cơ cao liên quan đến silica tinh thể được cung cấp thông tin về:
- những nguy cơ về sức khỏe do tiếp xúc với bụi silica tinh thể
- nhu cầu và chi tiết của các biện pháp để kiểm soát những nguy cơ đó
Các chương trình đào tạo cần phải thiết thực và 'thực tế'. Cấu trúc, nội dung và phương thức truyền đạt của đào tạo cần tính đến các yêu cầu đặc biệt của người lao động và các nhà thầu độc lập tham gia đào tạo. Ví dụ, thông tin, hướng dẫn và đào tạo có thể cần được cung cấp bằng ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh.
Các yếu tố khác cần xem xét về phương thức truyền đạt trong đào tạo bao gồm kỹ năng hoặc kinh nghiệm cụ thể, khuyết tật, khả năng đọc viết và độ tuổi. Các chương trình đào tạo cũng cần được đánh giá định kỳ và theo yêu cầu để đảm bảo cung cấp thông tin, hướng dẫn và đào tạo phù hợp cho người lao động.
Việc đào tạo bồi dưỡng cần được cung cấp phù hợp với nơi làm việc. Tần suất đào tạo bồi dưỡng nên được xác định dựa trên độ phức tạp của công việc, kỹ năng cần thiết và tần suất thực hiện các nhiệm vụ hoặc công việc.
Chủ lao động phải giám sát người lao động khi cần thiết để đảm bảo họ có thể thực hiện công việc một cách an toàn. Điều này đặc biệt quan trọng với người lao động dễ bị tổn thương hơn, như người lao động mới, chưa có kinh nghiệm, hoặc người lao động trẻ tuổi.
Hình: Biển báo an toàn tại công trường khi việc gia công đá nhân tạo được phép, đang diễn ra.
- Thiết bị bảo vệ đường hô hấp
Chủ lao động phải cung cấp thiết bị bảo vệ đường hô hấp (RPE) cho người lao động thực hiện việc gia công đá nhân tạo, mà:
- được thiết kế để bảo vệ người đeo tránh hít phải các chất gây ô nhiễm không khí
- đáp ứng tiêu chuẩn AS/NZS 1716 – Thiết bị bảo vệ đường hô hấp, hoặc tiêu chuẩn tương đương
Chủ lao động cũng phải đảm bảo là người lao động có sử dụng RPE.
Điều quan trọng là phải kiểm tra thông tin sản phẩm để đảm bảo RPE đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn AS/NZS 1716 hoặc tiêu chuẩn tương đương. Nếu không rõ, vui lòng liên hệ nhà cung cấp hoặc nhà sản xuất.
RPE cần ít nhất một bộ lọc P2 và phải được kiểm tra độ kín khít cho từng người để đảm bảo nó hoàn toàn kín khít. RPE loại cần phải kín khít trên mặt, chẳng hạn như mặt nạ hô hấp nửa mặt, không nên được sử dụng bởi những người có râu quai nón hoặc lông ngắn quanh mặt. Khi râu mặt khiến RPE không thể kín khít thì cần sử dụng mặt nạ hô hấp lọc khí bằng động cơ (PAPR) không phụ thuộc vào độ kín khín trên mặt, chẳng hạn như mũ bảo hộ PAPR không kín khít.
RPE cần được lựa chọn, sử dụng và bảo dưỡng theo tiêu chuẩn AS/NZS 1715 - Lựa chọn, sử dụng và bảo dưỡng thiết bị bảo vệ đường hô hấp hoặc tiêu chuẩn tương đương.
Chủ lao động cần cung cấp thông tin, hướng dẫn và đào tạo cho người lao động về việc sử dụng, độ kín khít và bảo dưỡng RPE, bao gồm cả hệ thống lưu trữ.
Đối với RPE cần phải kín khít trên mặt, như mặt nạ hô hấp nửa mặt lọc khí bằng động cơ, việc kiểm tra độ kín khít là một kiểm tra nhanh chóng để đảm bảo nó được đặt đúng vị trí khi đeo trên mặt.
Người lao động nên kiểm tra độ kín khít mỗi khi đeo mặt nạ hô hấp theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
RPE được khuyên dùng cho công việc với đá nhân tạo
Mũ bảo hộ PAPR không kín khít
Mức độ bảo vệ cao:
- áp suất dương giúp giảm mệt mỏi
- có thể đeo dù có lông mặt
- không cần kiểm tra độ kín khít
Mũ trùm đầu PAPR không kín khít
Mức độ bảo vệ cao:
- áp suất dương giúp giảm mệt mỏi
- có thể đeo dù có lông mặt
- không cần kiểm tra độ kín khít
PARP nửa mặt
Mức độ bảo vệ trung bình:
- thoải mái hơn trong thời gian dài
- áp suất không khí dương giúp giảm mệt mỏi
- không thể đeo nếu có lông mặt
- cần phải kiểm tra độ kín khít
- cần được kiểm tra với từng người để đảm bảo kín khít
Mặt nạ hô hấp nửa mặt áp suất âm
Mức độ bảo vệ tối thiểu:
- không ảnh hưởng đến tầm nhìn hoặc khả năng di chuyển
- không thể đeo nếu có lông mặt
- cần phải kiểm tra độ kín khít
- cần được kiểm tra độ kín khít mỗi lần đeo
Lưu ý: Khi gia công đá nhân tạo, bộ lọc dùng trong mặt nạ hô hấp phải là loại lọc bụi hạt. Khi thực hiện quy trình dán, cũng có thể cần phải sử dụng loại bộ lọc hữu cơ.
- Cấm sử dụng không khí và khí dạng nén để làm sạch
Chủ lao động hoặc người tự làm chủ không được sử dụng không khí nén hoặc các loại khí nén khác để làm sạch các nơi sau, trừ khi việc sử dụng không khí hoặc khí đó không dẫn đến nồng độ silica tinh thể có thể hít phải vượt quá tiêu chuẩn tiếp xúc với silica tinh thể:
- khu vực làm việc nơi diễn ra việc gia công đá nhân tạo
- quần áo người lao động mặc tại nơi diễn ra việc gia công đá nhân tạo
Không nên sử dụng không khí nén trong bất kỳ hoàn cảnh nào ở nơi bụi silica tinh thể có thể hít phải có lẽ đã được tạo ra.
Giảm bớt bụi
- Làm sạch nơi làm việc
Khi thực hiện công việc được phép với đá nhân tạo, nơi làm việc cần được làm sạch sau khi hoàn thành mỗi việc. Điều này nhằm đảm bảo bụi silica tinh thể có thể hít phải không tích tụ trên thiết bị như dụng cụ điện, bề mặt nơi làm việc hoặc sàn nhà. Cần phải đeo RPE trong khi dọn dẹp.
Đảm bảo quá trình dọn dẹp và làm vệ sinh không tạo ra bụi trong không khí. Ví dụ, sử dụng máy hút chân không dành cho Bụi Hạng H có bộ lọc HEPA, xịt nước áp suất thấp, lau bằng cây lau nhà, bằng cây lau cao su hay lau ướt bề mặt. Không bao giờ nên sử dụng không khí nén, quét khô hoặc dùng nước áp lực cao để làm sạch vì việc này có thể tạo ra bụi trong không khí.
Túi dùng để chứa rác cần đủ chắc để đảm bảo không bị rách và phát tán bụi. Để giảm thiểu nguy cơ túi bị rách hoặc bị vỡ, không nên đựng quá nửa túi và không khí dư cần được cho ra nhẹ nhàng khỏi túi mà không dẫn đến phát tán bụi.
- Làm sạch cá nhân
Khi thực hiện công việc được phép với đá nhân tạo, thiết bị bảo hộ cá nhân như RPE, tạp dề và giày cao cổ cần được làm sạch sau mỗi lần sử dụng để đảm bảo bụi không tích tụ. Ví dụ, bằng cách dùng ống nước áp lực thấp hoặc lau bằng khăn ướt.
Quần áo làm việc sẽ không bám bụi nếu việc tiếp xúc được kiểm soát một cách phù hợp trong quá trình gia công. Tuy nhiên, nếu bụi đã bám vào quần áo, quần áo bị nhiễm bụi nên được làm ẩm, đóng gói và ghi nhãn với dòng chữ 'Nguy hiểm từ bụi silica'.
Quần áo bị nhiễm bụi không nên mang về nhà. Quần áo này nên được gửi đến dịch vụ giặt thương mại. Nếu sử dụng dịch vụ giặt thương mại, chủ lao động hoặc người tự làm chủ cần thông báo cho dịch vụ giặt biết quần áo bị nhiễm silica và hỏi xem họ muốn nhận quần áo như thế nào.
- Quản lý rác thải silica tinh thể
Chủ lao động phải kiểm soát nguy cơ tiếp xúc với bụi silica tinh thể trong quá trình quản lý và đổ bỏ rác thải từ đá nhân tạo cũ. Ví dụ, khi hỗn hợp ướt được thu gom, hoặc bụi được gom lại bởi hệ thống hút bụi sẵn sàng cho việc đổ bỏ, nó cần được chứa đựng và xử lý theo cách làm giảm thiểu việc phát tán bụi. Các thùng chứa rác thải bị nhiễm bụi silica phải được xác định, ví dụ như bằng cách dán nhãn ghi rõ 'Nguy hiểm từ bụi silica'.
- Hỗn hợp ướt
Hỗn hợp ướt là rác thải từ quá trình tạo bụi được kiểm soát bằng nước. Trong khi còn ướt, hỗn hợp này không gây nguy hiểm. Nếu để hỗn hợp khô lại, bụi có thể bị khuấy động và bay vào không khí. Nếu có nguy cơ tiếp xúc với bụi cho những người có thể sẽ xử lý rác thải (ví dụ như người lao động, người thu gom rác thải hoặc nhân viên trạm chuyển rác thải), rác thải cần được cho vào túi và đóng kín trước khi thải bỏ.
Khi thực hiện công việc được phép với đá nhân tạo, hỗn hợp ướt cần được quản lý bằng các biện pháp kiểm soát như dùng tấm nhựa phủ để ngăn ngừa ô nhiễm nơi làm việc và thu gom hỗn hợp ướt bằng máy hút chân không dành cho Bụi Hạng H có bộ lọc HEPA hoặc lau bằng cây lau nhà, cây lau cao su hay lau ướt bề mặt.
Theo dõi không khí
Theo dõi không khí, còn được gọi là theo dõi chất lượng không khí, có nghĩa là quy trình lấy mẫu không khí trong vùng thở của một người để đo và đánh giá mức độ tiếp xúc của người đó với các chất gây ô nhiễm không khí.
Chủ lao động nên thực hiện chương trình theo dõi không khí liên tục để xác nhận việc không vượt quá tiêu chuẩn về tiếp xúc với silica tinh thể có thể hít phải.
Chủ lao động nên tiến hành theo dõi không khí:
- khi có sự thay đổi về thông lệ làm việc, vật liệu được sử dụng hoặc môi trường làm việc
- nếu báo cáo theo dõi sức khỏe người lao động cho thấy tình trạng sức khỏe xấu đi có thể liên quan đến tiếp xúc với silica
- nếu đại diện về sức khỏe và an toàn lao động yêu cầu đánh giá lại các biện pháp kiểm soát
- nếu có sự thay đổi về tiêu chuẩn tiếp xúc tại nơi làm việc, và kết quả theo dõi không khí trước đó cho thấy các mức đo được vượt quá tiêu chuẩn mới
Theo luật, chủ lao động phải tiến hành theo dõi không khí nếu:
- họ không chắc chắn liệu người lao động của mình có tiếp xúc với mức độ bụi silica vượt quá tiêu chuẩn tiếp xúc không
- họ không thể xác định xem có nguy cơ với sức khỏe của người lao động hay không nếu không có theo dõi không khí
Chủ lao động không bắt buộc phải tiến hành theo dõi không khí nếu họ phải thực hiện việc theo dõi sinh học như một phần của giám sát sức khỏe cho người lao động.
Việc theo dõi không khí và việc diễn giải kết quả, bao gồm so sánh với tiêu chuẩn tiếp xúc, cần được thực hiện bởi một người có kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm cần thiết, chẳng hạn như một chuyên gia vệ sinh lao động. Viện Vệ sinh Lao động của Úc (Australian Institute of Occupational Hygienists - AIOH) đại diện cho lĩnh vực vệ sinh lao động. Danh sách các nhà cung cấp dịch vụ có kinh nghiệm phù hợp để tiến hành theo dõi không khí có trên trang mạng của AIOH.
Kết quả của việc theo dõi không khí phải được cung cấp cho những người lao động đã, hoặc có thể đã tiếp xúc với chất gây ô nhiễm.
Hình: Thiết bị theo dõi không khí cá nhân.
Theo dõi sức khỏe
Chủ lao động phải cung cấp việc theo dõi sức khỏe nếu tiếp xúc với silica tinh thể có khả năng gây tác động xấu đến sức khỏe của người lao động.
Mục đích của việc theo dõi sức khỏe là để theo dõi sức khỏe của người lao động để xác định sự thay đổi trong tình trạng sức khỏe của họ do tiếp xúc với các chất độc hại ở nơi làm việc.
Khi không chắc chắn liệu việc tiếp xúc có khả năng gây tác động xấu đến sức khỏe của người lao động hay không, theo dõi không khí nên được thực hiện để xác định mức độ tiếp xúc của người lao động với các chất gây ô nhiễm không khí khi so với tiêu chuẩn tiếp xúc về silica tinh thể có thể hít phải.
Khi theo dõi sức khỏe là điều bắt buộc, việc này cần được hoàn thành khi người lao động:
- được chủ lao động mới thuê, trước khi họ bắt đầu làm việc
- thường xuyên trong khi họ làm công việc đó
- khi họ kết thúc làm việc cho chủ lao động đó
Những người trước đây có giấy phép về đá nhân tạo phải tiếp tục đảm bảo việc theo dõi sức khỏe được tiến hành dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa nếu họ có người lao động:
- bắt buộc phải được theo dõi sức khỏe theo quy định 169, và
- đã được họ thuê ngay trước ngày 1 tháng 7 năm 2024, và
- trước đây bắt buộc phải có theo dõi sức khỏe dưới sự giám sát của một bác sĩ chuyên khoa nghề nghiệp và môi trường, hoặc bác sĩ chuyên khoa hô hấp và giấc ngủ
Danh sách bác sĩ có trên trang mạng của Học viện Y học Hoàng gia Úc và Châu Đại Dương (Royal Australasian College of Physicians) tại racp.edu.au. Chủ lao động nên nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa nghề nghiệp hoặc bác sĩ chuyên khoa hô hấp và giấc ngủ để đảm bảo họ có kinh nghiệm với bệnh bụi phổi silic (silicosis) và các bệnh khác do bụi silica gây ra.
Những người trước đây có giấy phép về đá nhân tạo phải cung cấp bản sao các báo cáo theo dõi sức khỏe này cho WorkSafe trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được.
Cũng có những trường hợp khác khi chủ lao động phải nộp báo cáo theo dõi sức khỏe cho WorkSafe.
Thông tin thêm về yêu cầu theo dõi sức khỏe.
- Báo cáo theo dõi sức khỏe liên quan đến chất độc hại (Trang mạng bằng tiếng Anh)
- Đánh giá sức khỏe liên quan đến silica tinh thể
Để dùng dịch vụ thông dịch bằng ngôn ngữ ưa thích của bạn, vui lòng liên hệ với Dịch vụ Phiên dịch và Thông dịch trên toàn quốc (TIS) theo số 131 450.