Quản lý nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và vi-rút lây truyền qua đường máu trong ngành công nghiệp tình dục

Hướng dẫn này dành cho người chủ lao động, nhân viên và những người khác trong ngành mại dâm. Nó có thể giúp họ kiểm soát nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và vi-rút lây truyền qua đường máu.

Shape

Trách nhiệm về sức khỏe và an toàn trong công việc mại dâm của quý vị

Đạo luật An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (Occupational Health and Safety Act) 2004 là luật giúp giữ an toàn tại nơi làm việc. Hay còn được gọi là Đạo luật OHS (OHS Act). Đạo luật OHS đặt trách nhiệm lên những người khác nhau. Họ bao gồm những người chủ lao động, người quản lý hoặc kiểm soát nơi làm việc, người tự kinh doanh và nhân viên. Quý vị sẽ có các trách nhiệm khác nhau về Đạo luật OHS tùy thuộc vào vai trò của quý vị. Tìm hiểu về vai trò và trách nhiệm tại nơi làm việc của quý vị.

STI là gì?

STI có nghĩa là nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. BBV có nghĩa là vi-rút lây qua đường máu. STI là bệnh nhiễm trùng lây lan qua quan hệ tình dục. Tiếp xúc tình dục bao gồm quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng. Một số STI chỉ lây truyền qua tiếp xúc với chất dịch cơ thể. Những bệnh khác cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc da kề da.

Ví dụ về STI bao gồm:

  • nhiễm trùng do vi khuẩn như chlamydia, lậu và giang mai
  • nhiễm vi-rút như mụn rộp sinh dục và mụn cóc sinh dục
  • nhiễm ký sinh trùng như trichomonas

Kiểm soát nguy cơ mắc STI và BBV

Người bán dâm làm việc ở nhiều môi trường khác nhau và cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau. Nhiều người bán dâm sẽ tham gia vào các loại hình mại dâm khác nhau. Nguy cơ lây truyền STI có thể khác nhau giữa các hoạt động hoặc dịch vụ khác nhau. Giảm thiểu việc trao đổi chất dịch cơ thể như tinh dịch, dịch âm đạo hoặc máu có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc STI hoặc BBV.

Theo Đạo luật An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (Đạo luật OHS), nếu quý vị là người chủ, quý vị có nghĩa vụ kiểm soát các rủi ro về sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc. Đạo luật OHS quy định các rủi ro đối với sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc phải được loại bỏ, trong chừng mực có thể thực hiện được một cách hợp lý. Nói cách khác, hãy làm mọi thứ hợp lý để loại bỏ rủi ro khỏi môi trường làm việc.

Nếu việc loại bỏ rủi ro là không thể thực hiện được một cách hợp lý thì quý vị phải giảm thiểu rủi ro ở mức có thể thực hiện được một cách hợp lý.

Giảm thiểu rủi ro có thể liên quan đến một biện pháp kiểm soát duy nhất. Hoặc có thể liên quan đến sự kết hợp của các biện pháp kiểm soát khác nhau hoạt động cùng nhau. Các biện pháp kiểm soát của quý vị phải cung cấp mức độ bảo vệ ở mức có thể thực hiện được một cách hợp lý.

https://www.worksafe.vic.gov.au/hierarchy-control

https://www.legislation.vic.gov.au/in-force/acts/occupational-health-and-safety-act-2004/043

Sử dụng bao cao su và rào chắn

Bao cao su bên ngoài và bên trong cũng như các rào chắn khác như màng chắn miệng hoặc găng tay là những biện pháp kiểm soát có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và BBV. Khi sử dụng bao cao su và các rào chắn khác như một phần trong biện pháp kiểm soát rủi ro, quý vị nên cung cấp đủ các vật dụng này với các kích cỡ khác nhau để nhân viên sử dụng trong ca làm việc của họ.

Bao cao su và các rào chắn khác có hiệu quả nhất khi chúng:

  • được đeo hoặc chèn vào đúng cách. Ví dụ, bao cao su bên ngoài phải có kích cỡ phù hợp và không quá lỏng hoặc quá chật. Chúng cũng nên được cuộn vào gốc dương vật hoặc đồ chơi tình dục
  • không bị hư hỏng hoặc bị lủng
  • được sử dụng với chất bôi trơn tương thích như chất bôi trơn gốc nước để tránh vỡ
  • trong thời gian sử dụng
  • không được tái sử dụng
  • được bảo quản ở nơi khô mát, tránh nhiệt độ và độ ẩm

Bao cao su và các rào chắn khác ít hiệu quả hơn trong việc giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể lây lan qua tiếp xúc da kề da. Điều này bao gồm các loại vi-rút như mụn rộp và nhiễm trùng do vi khuẩn như giang mai.

Kiểm soát rủi ro khác

Bao cao su và các rào chắn khác nên được sử dụng cùng với các biện pháp kiểm soát rủi ro khác để bảo vệ khỏi STI và BBV. Các biện pháp kiểm soát rủi ro khác bao gồm:

  • đánh giá rõ ràng các triệu chứng hoặc dấu hiệu nhiễm trùng của khách hàng. Điều này có nghĩa là quan sát dương vật, hậu môn, âm đạo, miệng và các khu vực xung quanh của khách hàng dưới ánh sáng tốt để phát hiện vết loét, mụn nước, phát ban, chảy máu hoặc tiết dịch. Nếu nhân viên nghi ngờ khách hàng mắc STI, quý vị nên hỗ trợ họ từ chối hoặc thay đổi dịch vụ. Các dịch vụ khác có thể bao gồm thủ dâm lẫn nhau hoặc xoa bóp khiêu dâm để tránh vị trí nhiễm trùng. Quý vị cũng nên hỗ trợ nhân viên của mình trong việc đề nghị khách hàng đi xét nghiệm trước khi quay lại.
  • cung cấp thông tin về cách tiếp cận xét nghiệm sức khỏe tình dục tự nguyện dựa trên nhu cầu cá nhân và lời khuyên của bác sĩ. Nhân viên cũng có thể trao đổi với bác sĩ của mình về việc chủng ngừa viêm gan A, viêm gan B, vi rút u nhú ở người (HPV) và mpox (bệnh thủy đậu). Họ cũng có thể nói về sự phù hợp của điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). PrEP là thuốc uống ngăn ngừa HIV ở những người có nguy cơ bị nhiễm trùng.
  • cung cấp thông tin cho khách hàng về các hoạt động tình dục an toàn của doanh nghiệp. Điều này có thể bao gồm các tờ rơi và áp phích quảng cáo việc sử dụng bao cao su và rào chắn.
  • Thực hành các quy trình vệ sinh và làm sạch tốt như:
    • thay ga trải giường và khăn tắm giữa các khách hàng
    • khử trùng các vật dụng được sử dụng hoặc chạm vào trong các buổi làm việc
    • đeo găng tay khi làm sạch chất dịch cơ thể hoặc máu và có sẵn bộ ứng cứu nhanh sự cố tràn nguy hiểm sinh học
    • thường xuyên rửa tay bằng nước ấm và xà phòng
    • xử lý an toàn bao cao su đã qua sử dụng và các rào chắn khác

Bộ Y tế có thêm thông tin về cách phòng ngừa STI và BBV, bao gồm xét nghiệm sức khỏe tình dục, tiêm chủng và PrEP.

https://www.health.vic.gov.au/publications/sti-and-bbv-prevention-for-the-sex-industry

WorkSafe có hướng dẫn về quản lý rủi ro trong hoạt động mại dâm. Hướng dẫn về Cơ sở vật chất dành cho công việc mại dâm của WorkSafe cũng bao gồm thông tin về cách làm sạch chất dịch cơ thể.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) Victoria cung cấp hướng dẫn về cách xử lý an toàn rác thải y tế và rác thải liên quan. Hướng dẫn bao gồm thông tin về các nhà chứa.

https://www.epa.vic.gov.au/about-epa/publications/iwrg612-1

Tham vấn ý kiến với nhân viên của quý vị

Đạo luật OHS yêu cầu người chủ phải tham vấn ý kiến của nhân viên và bất kỳ đại diện về sức khỏe và an toàn (HSR) nào về một số vấn đề nhất định ảnh hưởng đến họ hoặc có khả năng ảnh hưởng đến họ. Nếu quý vị là người chủ, quý vị phải hoàn thành nghĩa vụ này trong chừng mực có thể thực hiện được một cách hợp lý. Theo Đạo luật OHS, vì mục đích tham vấn, 'nhân viên' bao gồm các mục sau đây liên quan đến các vấn đề mà quý vị có quyền kiểm soát:

  • nhà thầu độc lập mà quý vị đã thuê
  • nhân viên của các nhà thầu độc lập

Ngoài ra còn có nghĩa vụ tham vấn giữa người chủ và người cung cấp lao động cho thuê, những người chia sẻ trách nhiệm về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp với người lao động làm thuê.

Khi quản lý rủi ro STI và BBV, ý kiến đóng góp của nhân viên trong việc xác định và giải quyết các yếu tố rủi ro là rất quan trọng. Tạo cơ hội cho nhân viên và bất kỳ HSR nào được nêu ý kiến về nhu cầu bảo vệ của họ và những rào chắn nào họ muốn sử dụng. Khuyến khích họ đặt câu hỏi, nêu lên mối quan ngại, đề xuất các phương án và đưa ra khuyến nghị.

Thông tin, hướng dẫn, đào tạo và giám sát

Đạo luật OHS yêu cầu người chủ cung cấp cho nhân viên:

  • thông tin
  • chỉ dẫn
  • đào tạo
  • giám sát

Vì mục đích này, 'nhân viên' bao gồm các nhà thầu độc lập và nhân viên của các nhà thầu độc lập.

Với vai trò là người chủ, quý vị phải đáp ứng một tiêu chuẩn nhất định khi thực hiện nghĩa vụ này. Quý vị phải cung cấp những gì 'cần thiết' để nhân viên làm việc an toàn và không có rủi ro đối với sức khỏe. Mức độ thông tin, hướng dẫn, đào tạo và giám sát cần thiết có thể khác nhau. Nó sẽ phụ thuộc vào các loại mối nguy hiểm tại nơi làm việc. Nó cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ nhân viên biết về rủi ro và cách kiểm soát chúng.

Quý vị nên cung cấp thông tin, hướng dẫn, đào tạo và giám sát về việc quản lý rủi ro STI và BBV cho nhân viên của mình. Điều này bao gồm, ví dụ:

  • thông tin về các dịch vụ khuyến khích sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp dùng rào chắn khác
  • thông tin về STI và BBV
  • thông tin về xét nghiệm sức khỏe và điều trị STI và BBV
  • cách kiểm tra khách hàng để tìm các dấu hiệu rõ ràng của STI và cách nhận biết các triệu chứng
  • thủ tục tìm kiếm ý kiến thứ hai sau khi đánh giá khách hàng về các triệu chứng STI
  • cách sử dụng bao cao su và các rào chắn khác một cách an toàn
  • cách bảo quản bao cao su và các rào chắn khác
  • cách vứt bỏ bao cao su đã qua sử dụng và các rào chắn khác một cách an toàn
  • làm sạch, khử trùng và thực hành vệ sinh tốt
  • cách thương lượng việc sử dụng bao cao su và rào chắn với khách hàng và cách đối phó với khách hàng từ chối đeo bao cao su hoặc các rào chắn khác
  • phải làm gì nếu khách hàng cố tình tháo hoặc làm giả bao cao su hoặc cố tình không sử dụng bao cao su. Điều này có thể được coi là thiếu sự đồng ý theo Đạo luật Tội phạm
  • phải làm gì nếu bao cao su hoặc rào chắn bị rách hoặc tuột

Quý vị có thể thuê các nhân viên cung cấp thông tin, hướng dẫn, đào tạo và giám sát. Trong trường hợp này, hãy đảm bảo những người đó có kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết. Đồng thời đảm bảo họ quen thuộc với các chính sách và thủ tục của doanh nghiệp.

Bộ Y tế có thêm thông tin về cách phòng ngừa STI và BBV.

https://www.health.vic.gov.au/publications/sti-and-bbv-prevention-for-the-sex-industry

Lưu giữ hồ sơ kiểm soát rủi ro của quý vị

Việc lưu giữ các hồ sơ cơ bản bằng văn bản về phương pháp quản lý rủi ro và hệ thống làm việc an toàn có thể mang lại nhiều lợi ích cho nơi làm việc của quý vị. Ghi lại cách nơi làm việc của quý vị kiểm soát nguy cơ mắc STI và BBV có thể:

  • hỗ trợ giới thiệu và đào tạo cho nhân viên mới
  • cho những người khác, chẳng hạn như khách hàng, thấy nơi làm việc của quý vị quản lý rủi ro như thế nào
  • cho thấy các quyết định về những gì có thể thực hiện được một cách hợp lý đã được đưa ra như thế nào sau quá trình tham vấn

Hồ sơ bằng văn bản cũng có thể bao gồm:

  • nhật ký về các hoạt động vệ sinh và khử trùng tại cơ sở, bao gồm cả việc giặt khăn trải giường và khăn tắm
  • nhật ký về số lượng, hạn sử dụng, ngày thay thế bao cao su và các rào chắn khác

Dịch vụ Tư vấn WorkSafe

Dịch vụ tư vấn của WorkSafe hoạt động từ 7:30 sáng đến 6:30 chiều từ thứ Hai đến thứ Sáu. Nếu cần hỗ trợ thêm, quý vị cũng có thể liên hệ với WorkSafe bằng Dịch vụ Thông dịch và Phiên dịch (TIS National) hoặc Dịch vụ Tiếp âm Toàn quốc.

Những trang liên quan