Diễn giải bảng dữ liệu để xác định đá nhân tạo
Hướng dẫn này chứa thông tin về cách diễn giải các bảng dữ liệu sản phẩm để xác định đá nhân tạo. Tài liệu này dành cho chủ lao động, người tự làm chủ, người có vai trò quản lý hoặc kiểm soát tại nơi làm việc và nhà sản xuất cũng như nhà cung cấp. Tài liệu này cũng có thể hữu ích cho nhân viên cũng như đại diện về sức khỏe và an toàn (HSR).
Lệnh cấm đá nhân tạo
Điều này có ý nghĩa như thế nào tại tiểu bang Victoria?
Từ ngày 1 tháng 7 năm 2024, việc sản xuất, cung cấp, gia công hay lắp đặt mặt bàn bếp, tấm hoặc phiến đá nhân tạo bị cấm tại Victoria.
Việc sửa chữa, cải tạo, tháo dỡ và vứt bỏ các mặt bàn bếp, tấm hoặc phiến đá nhân tạo (đá cũ) được lắp đặt trước ngày 1 tháng 7 năm 2024 vẫn được cho phép. Việc vứt bỏ đá nhân tạo, dù đã được lắp đặt hay chưa, cũng được phép.
Khi công việc được cho phép với đá nhân tạo mà có kèm theo gia công đá nhân tạo, các biện pháp cụ thể về kiểm soát nguy cơ phải được thực hiện. Gia công đá nhân tạo cũng được coi là công việc nguy cơ cao liên quan đến silica tinh thể và bạn phải tuân thủ các nghĩa vụ đối với công việc nguy cơ cao liên quan đến silica tinh thể.
Bạn không cần giấy phép để làm việc với đá cũ.
Đá nhân tạo là gì?
Từ ngày 1 tháng 7 năm 2024, đá nhân tạo được định nghĩa là một sản phẩm nhân tạo:
- chứa từ một phần trăm silica tinh thể trở lên, được xác định theo tỷ lệ hàm lượng/tổng trọng lượng (w/w); và
- được tạo ra bằng cách kết hợp các vật liệu đá tự nhiên với các thành phần hóa học khác như nước, nhựa resin hoặc chất tạo màu; và
- trở nên cứng lại.
Đá nhân tạo không bao gồm các sản phẩm sau:
- các sản phẩm bê tông và xi măng
- gạch, gạch/đá lát đường và các sản phẩm tương tự khác
- gạch gốm ốp tường và lát sàn
- các sản phẩm đá nung không chứa nhựa resin
- các sản phẩm bằng sứ không chứa nhựa resin
- ngói lợp mái
- vữa trát kẽ, hồ hoặc vữa trát tường
- tấm thạch cao.
Ngay cả khi sản phẩm được gắn nhãn 'low silica' (silica thấp), bạn vẫn cần kiểm tra xem nó có đáp ứng định nghĩa của đá nhân tạo không. Mọi nỗ lực đổi nhãn hiệu đá nhân tạo thành sản phẩm khác sẽ phải chịu các biện pháp cưỡng chế thi hành và tuân thủ mạnh tay.
Nếu bạn lo ngại rằng sản phẩm bạn đã được cung cấp là đá nhân tạo và đã được đổi nhãn hiệu, bạn có thể trình báo vấn đề này cho WorkSafe Advisory (Cơ quan Tư vấn An toàn Lao động) qua số 1800 136 089 (chỉ có tiếng Anh). Để trình báo cho WorkSafe Advisory bằng một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh, hãy liên hệ Dịch vụ Biên dịch và Thông dịch (TIS National) qua số 131 450 để có thông dịch viên qua điện thoại ngay lập tức.
Làm thế nào để biết một sản phẩm là đá nhân tạo?
Quan trọng là phải biết liệu sản phẩm có đáp ứng định nghĩa của đá nhân tạo hay không. Điều này giúp bạn tuân thủ các nghĩa vụ theo Đạo luật Sức khỏe và An toàn Lao động 2004 (Đạo luật) và Quy định Sức khỏe và An toàn Lao động 2017 (Quy định).
Một cách để xác định xem liệu sản phẩm có phải là đá nhân tạo là xem thông tin sản phẩm được cung cấp từ nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp.
Các nhà sản xuất và nhà cung cấp có trách nhiệm cung cấp thông tin về các sản phẩm chứa silica tinh thể
Các nhà sản xuất và nhà cung cấp, bao gồm cả những nhà cung cấp nhập khẩu, mà cung cấp các chất có chứa silica tinh thể đến nơi làm việc, thì phải cung cấp thông tin về chất có chứa silica tinh thể đó.
Những thông tin này bao gồm:
- Tỷ lệ silica tinh thể có trong chất đó, hiển thị dưới dạng phần trăm.
- Tên, địa chỉ và số điện thoại của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nhập khẩu tại Úc.
- Các biện pháp kiểm soát việc tiếp xúc, tiêu chuẩn tiếp xúc, kiểm soát kỹ thuật, và thông tin bảo vệ cá nhân.
- Thông tin về xử lý và bảo quản, bao gồm hướng dẫn sử dụng an toàn.
Họ phải cung cấp thông tin bằng văn bản về chất chứa silica tinh thể cho:
- bất kỳ người nào được cung cấp chất đó, trước hoặc vào lần đầu tiên chất này được cung cấp cho người đó, và
- khi được yêu cầu, chủ lao động có ý định sử dụng chất đó tại nơi làm việc.
Các nhà sản xuất và nhà cung cấp cũng nên xem xét mọi lời khuyên mà Lực lượng Biên phòng Úc đưa ra về các yêu cầu nhập khẩu hàng hóa vào Úc.
Lệnh cấm nhập khẩu mặt bàn bếp, tấm và phiến đá nhân tạo của Liên bang, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2025, sẽ cung cấp thêm một lớp tăng cường thực thi pháp luật và ngăn chặn vi phạm ở biên giới.
Thông tin sản phẩm
Các nhà sản xuất và nhà cung cấp cung cấp thông tin sản phẩm dưới nhiều hình thức khác nhau.
Những hình thức này bao gồm:
- bảng dữ liệu về an toàn (SDS)
- bảng dữ liệu về sản phẩm
- bảng dữ liệu kỹ thuật.
Các bảng dữ liệu cung cấp thông tin về sức khỏe và an toàn của các sản phẩm, chất hoặc hóa chất.
Các nhà sản xuất và nhà cung cấp phải cung cấp SDS cùng với các chất nguy hiểm, và ghi nhãn chúng đúng cách. Để biết thêm thông tin về các chất nguy hiểm và SDS, hãy xem Quy tắc tuân thủ đối với chất độc hại.
Bạn có thể tìm thấy thông tin về một sản phẩm bằng cách xem xét các bảng dữ liệu. Bạn cũng có thể liên hệ với nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp để họ cung cấp thêm thông tin về thành phần của sản phẩm.
Diễn giải bảng dữ liệu sản phẩm
Để xác định xem một sản phẩm có phải là đá nhân tạo, bạn nên xem bảng dữ liệu để kiểm tra xem liệu sản phẩm đó có sự kết hợp của silica tinh thể và các chất hóa học khác (thành phần), chẳng hạn như nhựa resin.
Silica tinh thể có thể được liệt kê như:
- thạch anh (Quartz)
- cristobalite
- tridymite
- tripoli.
Nếu bảng dữ liệu của sản phẩm có đề cập đến silica tinh thể, đặc biệt là thạch anh (quartz) và các chất hóa học như nhựa resin, có khả năng là sản phẩm đó đáp ứng định nghĩa của đá nhân tạo.
Nhựa resin thường được sử dụng làm chất kết dính trong các sản phẩm đá nhân tạo và có thể được gọi là:
- polyester resin
- polyester không bão hòa (polyester styrene)
- polyethylene terephthalate
- epoxy resin
- acrylate resin
- nhựa resin dựa trên maleic anhydride và phthalic anhydride
- polyurethane.
Nếu bạn không chắc liệu một thành phần trên bảng dữ liệu sản phẩm có phải là một chất hóa học, như là nhựa resin, hãy liên hệ với nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp để biết thêm thông tin.
- Ví dụ 1: Bảng dữ liệu sản phẩm đá nhân tạo
Bảng dữ liệu ở ví dụ này đề cập đến sản phẩm chứa >80% silica tinh thể (được liệt kê là thạch anh) và nhựa resin, là một chất hóa học. Điều này có nghĩa đó là đá nhân tạo. Chính sự kết hợp của việc sản phẩm chứa cả hai yếu tố này và tồn tại ở dạng cứng làm cho nó trở thành đá nhân tạo. Trên bảng dữ liệu cũng có một chất phụ gia được liệt kê. Thông tin thêm về các chất phụ gia có thể được yêu cầu từ nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp.
Hình 1. Bảng dữ liệu mẫu của một sản phẩm đá nhân tạo
- Ví dụ 2: Bảng dữ liệu của sản phẩm không phải đá nhân tạo
Bảng dữ liệu ví dụ sau đây là của một sản phẩm sứ, không được bao gồm trong định nghĩa của đá nhân tạo. Trong đó không đề cập đến nhựa resin. Ngay cả nếu sản phẩm được ghi là đá nung hoặc sứ, bạn vẫn cần kiểm tra xem thành phần của nó có đáp ứng định nghĩa của đá nhân tạo hay không. Nếu những sản phẩm này chứa silica tinh thể và nhựa resin - chúng sẽ được coi là đá nhân tạo, ngay cả khi nó được ghi nhãn là cái khác.
Hình 2. Bảng dữ liệu mẫu của một sản phẩm sứ
Xét nghiệm sản phẩm
Một cách khác để xác định xem một sản phẩm có phải là đá nhân tạo không là xét nghiệm sản phẩm. Nếu bạn muốn kiểm tra xem sản phẩm của bạn có chứa silica tinh thể hoặc các chất khác hay các chất phụ gia, như nhựa resin, bạn có thể đưa sản phẩm đi phân tích. Bạn nên sử dụng một phòng thí nghiệm được chứng nhận của Hiệp hội các Cơ quan Kiểm định Toàn quốc (National Association of Testing Authorities - NATA) hoặc một phòng thí nghiệm tương đương có tham gia Thỏa thuận Công nhận Lẫn nhau (Mutal Recognition Arrangement - MRA) của tổ chức Hợp tác Chứng nhận Phòng thí nghiệm Quốc tế (International Laboratory Accreditation Cooperation - ILAC) để phân tích sản phẩm của mình. Hai trang mạng được liên kết ở trên được trình bày bằng tiếng Anh.
Bạn không cần phải cung cấp báo cáo xét nghiệm sản phẩm cho WorkSafe Victoria để được chấp thuận.
Bạn có trách nhiệm tuân thủ các nghĩa vụ về sức khỏe và an toàn. Nếu bạn không chắc, hãy cân nhắc tìm lời khuyên pháp lý độc lập.
Xác định xem sản phẩm đã lắp đặt có phải là đá nhân tạo
Nếu bạn không thể xác định đá đã được lắp đặt có phải là đá nhân tạo, thì bạn nên xem đá này như là đá nhân tạo cho đến khi xác định được điều ngược lại. Điều này có nghĩa bạn chỉ có thể thực hiện công việc được phép với đá nhân tạo và phải xem việc này như là công việc nguy cơ cao liên quan đến silica tinh thể. Bạn phải sử dụng các biện pháp kiểm soát nguy cơ cụ thể cho việc gia công đá nhân tạo được mô tả trong hướng dẫn của WorkSafe: Làm việc với đá nhân tạo.
Thông tin liên quan
Các liên kết dưới đây chủ yếu được trình bày bằng tiếng Anh trừ khi có ghi chú khác.
- Quy tắc tuân thủ đối với chất độc hại
- Làm việc với đá nhân tạo (trang mạng bằng Tiếng Việt)
- Công việc nguy cơ cao liên quan đến silica tinh thể - xác định và quản lý
- Bảng dữ liệu về an toàn
- Hiệp hội các Cơ quan Kiểm định Toàn quốc (NATA)
- Thỏa thuận Công nhận Lẫn nhau của ILAC (ILAC MRA)
- Trách nhiệm của nhà sản xuất và nhà cung cấp các chất silica tinh thể
Điều khoản miễn trừ trách nhiệm
Tài liệu hướng dẫn này đã được soạn từ những thông tin tốt nhất mà WorkSafe có được, vào thời điểm tài liệu được công bố. Mọi thông tin về nghĩa vụ hoặc trách nhiệm pháp lý đề cập trong tài liệu này chỉ áp dụng cho các hoàn cảnh mô tả trong tài liệu. Bạn nên luôn kiểm tra các điều luật được đề cập trong tài liệu này và tự đưa ra quyết định về hành động nào có thể cần thực hiện để đảm bảo bạn tuân thủ pháp luật. Tài liệu này chỉ nên được sử dụng cho mục đích chung và không dùng để quy bất kỳ trách nhiệm nào cho, hoặc yêu cầu bồi thường nào khác đối với WorkSafe. Theo đó, WorkSafe không thể bị quy trách nhiệm và không đưa ra bất kỳ bảo đảm nào về sự phù hợp của thông tin đối với trường hợp cụ thể của bạn; hoặc đối với các hành động được thực hiện bởi bên thứ ba do thông tin chứa trong tài liệu hướng dẫn này.